Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu ban hành các chính sách, đầu tư phát triển giáo dục mầm non phù hợp thực tế, đúng theo quy định hiện hành. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh theo đúng Kế hoạch số 4448/KH-UBND ngày 05/8/2020 của UBND tỉnh; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khả thi, phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2022-2025; đặc biệt quan tâm hướng dẫn đánh giá, bổ sung các điều kiện để chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi và 4 tuổi; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi. Định kỳ hằng năm, báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh đầu tư, đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 theo quy định.
Sở Tài chính - Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối nguồn ngân sách, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí và phân bổ kinh phí để thực hiện các nội dung của Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2025. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tham mưu đề xuất về chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên mầm non phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Sở Nội vụ - Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển dụng, bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 theo tinh thần “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành, Hội, đoàn thể có liên quan chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người lao động và quyền trẻ em trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh Chỉ đạo các tổ chức trực thuộc tích cực tham gia các hoạt động nhằm phát triển giáo dục mầm non tại địa phương, vận động trẻ em đến cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường phổ biến, cung cấp kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ đến từng gia đình; hỗ trợ cho trẻ mầm non gặp khó khăn có điều kiện đến trường; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
UBND các huyện, thị xã, thành phố - Xây dựng chương trình, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo từng năm để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn mình phụ trách. Chỉ đạo đánh giá công tác rà soát, sắp xếp và thực hiện việc rà soát, sắp xếp mạng lưới, xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, định hướng phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030; nâng cao hiệu quả quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, khu và cụm công nghiệp; quan tâm quy hoạch, định hướng phát triển đối với các trường mầm non dân lập/tư thục, hệ thống nhóm trẻ/lớp mẫu giáo/lớp mầm non độc lập trên địa bàn gắn với rà soát, sắp xếp tổng thể chung về giáo dục mầm non tại địa phương đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ.
Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đào tạo giáo viên, huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn trên địa bàn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; rà soát, sắp xếp các điểm trường theo hướng thu gọn đầu mối, đảm bảo thuận lợi cho Nhân dân đưa trẻ đến trường và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ triển khai chương trình giáo dục mầm non; đảm bảo chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; bố trí ngân sách chi cho giáo dục mầm non theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn (kể cả công lập và ngoài công lập) theo đúng quy định của Nhà nước; bố trí đủ định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tích cực phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, tiếp cận với giáo dục mầm non trong khu vực và toàn quốc.
Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục để các nhà đầu tư tham gia phát triển trường, lớp mầm non trên địa bàn. Thực hiện tốt các chính sách, đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Kịp thời rà soát, thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ cho người lao động, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
File đính kèm: Công văn